Công nghệ không phân biệt giới tính – và Trường Đại học FPT đang chứng minh điều đó bằng hành động. Học bổng Nữ sinh STEM 2025 chính thức “lên sóng” như một lời khẳng định: con gái hoàn toàn có thể tỏa sáng trong thế giới số, nếu được tiếp thêm động lực và cơ hội để bứt phá.
Tiếp sức cho hành trình “gõ cửa thế giới số” của các bóng hồng
Thế giới công nghệ đang không ngừng thay đổi, và dường như ai cũng mặc định rằng đây là sân chơi của “phái mạnh”. Nhưng sự thật thì sao? Từ Fei-Fei Li – nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực AI, đến Reshma Saujani – người sáng lập tổ chức “Girls Who Code” đã truyền cảm hứng công nghệ cho hàng trăm nghìn bé gái trên toàn cầu, nữ giới đã và đang tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực STEM.
Tuy nhiên, có một thực tế, ở Việt Nam hay nhiều nơi trên thế giới, tỷ lệ nữ giới trong ngành công nghệ vẫn đang ở mức thấp. Nghịch lý ở chỗ: phụ nữ vốn sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên phù hợp với công nghệ – từ sự tỉ mỉ, tinh tế đến tư duy thẩm mỹ và khả năng giao tiếp. Nhưng vì thiếu hình mẫu gần gũi, cộng với định kiến rằng công nghệ “khô khan và nam tính”, nên không ít nữ sinh đã ngần ngại khi đứng trước quyết định theo học ngành STEM.
Đó là lý do vì sao Trường Đại học FPT quyết định ra mắt Học bổng Nữ sinh STEM 2025 – như một lời tuyên bố: “Công nghệ không chọn giới tính, mà chọn người dám bước vào và làm chủ nó”.
Với chương trình này, mỗi nữ sinh đăng ký học vào một trong các chuyên ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học FPT như: Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế vi mạch bán dẫn, An toàn thông tin, Công nghệ ô tô số, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Thiết kế mỹ thuật số, sẽ được nhận học bổng trị giá 20 triệu đồng.
Học bổng Nữ sinh STEM là lời cam kết của Trường Đại học FPT trong hành trình cùng thế thế nữ sinh thời đại mới chinh phục công nghệ thông tin.
Đây là một trong những hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trường Đại học FPT trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thông qua Học bổng Nữ sinh STEM, nhà trường mong muốn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp thêm động lực cho những nữ sinh đam mê công nghệ, mạnh dạn theo đuổi các ngành học đầy thách thức của kỷ nguyên số, từ đó nuôi dưỡng ngày càng nhiều tài năng công nghệ nữ đóng góp cho đất nước.
Tại Trường Đại học FPT, sinh viên không chỉ học lý thuyết từ giáo trình chuẩn quốc tế, mà còn được “thực chiến” cùng doanh nghiệp từ rất sớm. Các bạn được tiếp cận những dự án công nghệ thật, trải nghiệm môi trường năng động, sáng tạo và phát triển toàn diện về kỹ năng mềm, ngoại ngữ lẫn tư duy phản biện – tất cả đều là "vũ khí tối thượng" giúp sinh viên Gen Z sẵn sàng bước ra thế giới.
Và những câu chuyện truyền cảm hứng đã bắt đầu từ đây...
Nguyễn Khánh Linh, cựu sinh viên Trường Đại học FPT, đã viết tiếp câu chuyện truyền cảm hứng cho các nữ sinh đam mê ngành công nghệ thông tin.
Nguyễn Khánh Linh – cựu sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm tại Trường Đại học FPT, chính là nữ kỹ sư người Việt đầu tiên trở thành chuyên gia GDE trong mạng lưới chuyên gia công nghệ toàn cầu do Google lựa chọn. Phát biểu trên báo chí, Linh cho biết, công nghệ không chỉ là đam mê mà còn là công cụ để kiến tạo giá trị tích cực cho cộng đồng. Cô theo đuổi mục tiêu phát triển các hệ thống AI mang tính nhân văn, an toàn và thực sự hữu ích. Hành trình của Khánh Linh không chỉ khẳng định năng lực của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ nữ sinh đang nuôi dưỡng ước mơ chinh phục ngành Công nghệ thông tin - một hành trình tuy ngược gió nhưng đầy hy vọng.
Trần Thị Thu Hoài, sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học FPT, là đại diện cho thế hệ nữ giới hiện đại sẵn sàng theo đuổi đam mê công nghệ.
Một gương mặt Gen Z khác là Trần Thị Thu Hoài, cựu sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường Đại học FPT, hiện đang làm việc tại mảng Trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn FPT. Hoài chia sẻ thẳng thắn: “Tính đến thời điểm hiện tại, mình cảm thấy thực sự hài lòng với quyết định theo học tại Trường Đại học FPT. Chương trình học thực tiễn, môi trường năng động và cơ hội tiếp cận doanh nghiệp từ sớm giúp mình tự tin rằng bản thân đang đi đúng hướng”.
Hoài cũng tin rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ nếu được học tập và làm việc trong môi trường phù hợp để phát huy thế mạnh: “Công nghệ không hề khô khan như mình từng nghĩ. Ở hệ sinh thái FPT, mình thấy bản thân trưởng thành hơn mỗi ngày – tự tin hơn, giỏi hơn và sẵn sàng hơn cho tương lai.”