Thói quen "mọc rễ" trên giường: Tưởng không hại nhưng hại không tưởng

16:03 19/08/2023

Việc nằm một chỗ trong nhiều tiếng đồng hồ là chủ đề nhận được sự đồng cảm và quan tâm khá nhiều trong nhóm Cột sống Gen Z. Hành động này là một trong những trạng thái thoải mái nhất bởi khi đó con người có thể trút bỏ được mệt mỏi, gánh nặng để thả lỏng mình thư giãn. Song, việc nằm trên giường trong thời gian dài tưởng chừng sẽ giúp đỡ mệt mỏi, hồi sức nhưng thực tế lại gây ra những sự thay đổi theo chiều hướng xấu trong cơ thể.

 
Nằm quá lâu sẽ gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể.
Nằm quá lâu sẽ gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể.

Xu hướng “mọc rễ” trên giường bất cứ khi nào có thể

Đối với nhiều người, việc nằm dài trên giường không chỉ để lấy lại sức khỏe thể chất và tinh thần sau thời gian đau ốm hoặc làm việc căng thẳng mà thói quen này còn trở thành đam mê, sở thích mang tính “chữa lành”. Thậm chí, có những ngày không cần phải ra ngoài thì họ còn chẳng muốn rời khỏi chiếc giường thân yêu, nhất là đối với trẻ, xu hướng nằm dài cả ngày cũng đang ngày càng gia tăng.

 
Nằm dài trên giường cả ngày là một xu hướng đang ngày càng gia tăng, nhất là đối với người trẻ.
Nằm dài trên giường cả ngày là một xu hướng đang ngày càng gia tăng, nhất là đối với người trẻ.

Vào ngày nghỉ hoặc cuối tuần, nhiều bạn trẻ gen Z chẳng muốn đi chơi vì cả tuần lao ra đường đã là quá đủ, họ chọn ở nhà để “F5” lại bản thân và hiển nhiên, chiếc giường là nơi hấp dẫn nhất để “chill” cả ngày. Từ những hoạt động giải trí như xem phim, lướt mạng xã hội, đọc sách, vẽ tranh, nghe nhạc… đến làm việc, ăn uống, tất cả đều có thể xử lý trên giường, vừa nằm vừa làm, thích thì chợp mắt ngủ. Thế nhưng thực tế, những giây phút thoải mái và hạnh phúc này khi kéo dài sẽ khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật.

 
Làm mọi thứ trên giường vì thoải mái.
Làm mọi thứ trên giường vì thoải mái.

Cơ thể con người thay đổi như thế nào nếu nằm nhiều trên giường?

Cơ thể con người là một mạng lưới phức tạp được hình thành bởi các tế bào, các mô và cơ quan nội tạng để tạo ra sự sống. Nếu chỉ nằm trên giường mà không di chuyển trong vòng 24 giờ, một trong những cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là phổi. Bởi khi ở trạng thái nằm, trọng lực không còn kéo hai lá phổi xuống vị trí như bình thường dẫn đến phần dưới của phổi bị quăn lên. Lúc này, dịch nhầy khó đi qua các đường dẫn khí nên có thể bị mắc kẹt dẫn tới nhiễm trùng và viêm phổi. Đó là lý do các bác sĩ khuyên bệnh nhân thỉnh thoảng nên ngồi dậy và cố ho khạc.

 
Một trong những cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên khi nằm dài quá lâu là phổi.
Một trong những cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên khi nằm dài quá lâu là phổi.

Còn nếu nằm liên tục trong 1 tuần thì cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Thông thường, cơ bắp và xương sẽ chống đỡ trọng lượng cơ thể nhưng khi nằm, 2 bộ phận này không cần làm việc, thời gian “nghỉ ngơi” càng lâu sẽ càng bị teo lại. Thông tin từ trang Insider, cứ mỗi tuần duy trì trạng thái nằm cơ thể con người sẽ mất 1% mật độ xương, điều này cũng khiến xương giòn và dễ gãy hơn. 

Đồng thời, 1% khối lượng cơ bắp, đặc biệt là ở đùi, mông và vai cũng mất dần theo mỗi tuần con người “mọc rễ” trên giường. Mặt khác, cơ bắp phải hấp thụ đường từ máu để lấy năng lượng hoạt động nên nếu bị trì hoãn, lượng đường không được sử dụng sẽ bị tích tụ trong máu dẫn tới tiểu đường loại 2. Lúc này, trên cơ thể có thể xuất hiện vết viêm loét - những tổn thương trên da được tạo nên do các phần như xương cụt, xương đầu gối, xương chậu… bị chèn vào 1 vị trí trong thời gian dài khiến tế bào da bị tiêu diệt. 

 
Nằm quá lâu cũng dẫn đến bệnh tiểu đường.
Nằm quá lâu cũng dẫn đến bệnh tiểu đường.

Cơ bắp càng bị “hao hụt”, lượng oxy và máu cần để cơ thể vận động càng ít đi. Nếu cứ tiếp tục, sau 2 tuần chỉ có nằm, cơ thể con người sẽ mất 10% khối lượng cơ bắp. Lúc này, nằm không còn để hồi sức, khỏe mạnh mà ngược lại còn yếu hơn.

 
Nằm lâu không khiến con người khỏe hơn mà ngược lại còn yếu đi.
Nằm lâu không khiến con người khỏe hơn mà ngược lại còn yếu đi.

Theo các nghiên cứu, đến mốc thời gian 1 tháng, tim sẽ bơm ít hơn 30% máu cho mỗi nhịp đập, đồng nghĩa với việc cơ thể ngày càng mệt mỏi. Sau nửa năm hoặc 1 năm, một lượng lớn cơ bắp mất đi, xương lại quá giòn, yếu, khó chống đỡ được trọng lượng cơ thể. Thậm chí, tim cũng không đủ sức để làm việc, bơm máu đến các bộ phận khác. Lúc này muốn đứng dậy rời khỏi giường cũng sẽ rất khó khăn. 

 
Nằm liên tục trong 1 năm thì đến việc đứng dậy cũng khó khăn.
Nằm liên tục trong 1 năm thì đến việc đứng dậy cũng khó khăn.

Tăng cường vận động khi có thể

Có thể thấy, nằm dài không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho cơ thể mà ngược lại còn phản tác dụng. Trung bình con người cần ngủ đủ giấc 8 tiếng mỗi ngày, đó cũng là thời gian để chúng ta nằm nghỉ ngơi, cho các cơ quan trong cơ thể cũng như thể chất, tinh thần được hồi sức. Không nên rơi vào trạng thái lười, "mọc rễ" một chỗ cả ngày vì sẽ khiến cơ thể bị ảnh hưởng như đã kể trên, mặt khác cũng khiến sức ì tăng lên, uể oải, mệt mỏi, trì hoãn không muốn làm gì cả.

 
Có nhiều cách để tận hưởng cuộc sống hơn là chỉ nằm dài.
Có nhiều cách để tận hưởng cuộc sống hơn là chỉ nằm dài.

Thay vào đó, vận động lại là phương pháp để cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sức sống hơn. Thay vì nằm dài trên giường cả ngày vào cuối tuần, hãy thử ra ngoài hít thở không khí, ăn món ngon, đến nơi yêu thích, mua sắm, gặp gỡ gia đình, bạn bè để tạo niềm vui cho mình. Làm bạn với cái giường cũng thoải mái đấy, nhưng những độc giả của YAN ơi, cần hạn chế thói quen này nhiều nhất có thể bạn nhé!

Duy trì sức khỏe tốt yêu cầu sự cân bằng giữa nghỉ ngơi hợp lý và vận động đúng chế độ. Trong khi vận động giúp cải thiện sức bền, cải thiện tâm lý, giảm nguy cơ bệnh tật và tăng cường hệ miễn dịch thì nằm lười giúp thư giãn, hồi phục cơ thể, tăng tính sáng tạo cũng như thúc đẩy giấc ngủ. Vì vậy, cả hai hoạt động đều sẽ rất tốt và cần thiết cho cơ thể nếu được kết hợp đúng cách. 

Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY!