Những câu chuyện chốn công sở luôn nhận được đông đảo sự quan tâm của dân tình. Trong đó, chủ đề tiêu tiền như thế nào cho hợp lý được độc giả theo dõi và bàn luận sôi nổi. Chuyện nhân viên đi làm thuê nhưng tiêu tiền "như nước", còn sếp lại là người tiết kiệm từng đồng thu hút người đọc không kém.
Nhân viên nghèo "sang chảnh"
Chuyện công sở luôn được mọi người quan tâm. (Ảnh: Cmtech)
Ngọc Anh (sinh năm 2000) chia sẻ: "Tưởng đi làm là để bớt thời gian tiêu tiền nhưng thực tế còn tốn kém hơn hẳn. Cứ buổi trưa bọn mình lại rủ nhau ra ngoài ăn, ít thì hết khoảng 50 nghìn đồng, bữa nào hứng lên ăn lẩu thì hết hơn 200 nghìn đồng. Chiều đến lại gọi trà sữa, rảnh thì lại shopping online cùng nhau.
Trong khi đó sếp toàn mang cơm đi làm rồi tối lại về nhà ăn, thỉnh thoảng mới ăn quà chiều cùng bọn mình cho có không khí".
Cứ như thế, có tuần cao điểm Ngọc Anh tiêu ít nhất 1,5 triệu đồng chỉ cho việc ăn uống cùng đồng nghiệp, chưa tính chi phí dịch vụ hay sắm sửa quần áo, đồ dùng. Tuy vậy, cô bạn vẫn thấy ổn vì có trải nghiệm ẩm thực khá phong phú mà lại đỡ tốn thời gian nấu nướng khi còn sống độc thân, đặc biệt là trở nên gắn kết với đồng nghiệp.
Ăn uống cùng đồng nghiệp trong công ty là một khoản chi không nhỏ. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)
Cũng tự nhận mình nghèo "sang chảnh", Hồng Hạnh (sinh năm 1999) tâm sự:
"Mình luôn cố gắng để có nhiều trải nghiệm. Có thời gian thì đi du lịch cho biết. Lương mình khoảng 15 triệu đồng nhưng có cơ hội sẽ thử đến những nhà hàng cao cấp, quán sang chảnh cho mở mang tầm mắt".
Nhiều người trẻ sẵn lòng tiêu tiền cho những trải nghiệm mới. (Ảnh: Dân Trí, Thanh Niên)
Còn Thanh Long (sinh năm 1996) lại chi tiền cho những món đồ công nghệ, đồ hiệu thay vì ăn uống, đi đây đi đó. Anh chia sẻ:
"Tìm hiểu về đồ công nghệ hay đồ hiệu như quần áo, đồng hồ khiến mình thấy hứng thú, nên những món đồ yêu thích trong khả năng mình sẽ tích góp để sớm có được. Có người bảo lương trung bình thì chỉ nên tiêu xài ở mức tầm trung thôi, đến sếp còn không hay mua sắm nhưng thực ra là mình bớt từ cái này bỏ sang cái kia. Vừa thỏa mãn được đam mê, thậm chí còn có kiến thức để tư vấn cho người khác là mình vui rồi".
Hoang phí hay có lý?
Trước khi thử một dịch vụ hay mua món đồ đắt đỏ, chắc hẳn bạn sẽ tìm hiểu trước để quyết định có tiêu tiền vào đó hay không. Với nhiều bạn trẻ, họ xem đây là hình thức đầu tư cho bản thân.
Càng hiểu biết đa lĩnh vực càng dễ giao tiếp với nhiều người.
Giống như Hồng Hạnh bộc bạch, dù chỉ là một nhân viên văn phòng, nhưng cô nàng không ngại chi tiền đến những nơi sang trọng, mục đích không chỉ phục vụ bản thân mà còn giúp ích cho công việc:
"Mình nghĩ tiêu tiền vì những thứ mình chưa biết chính là tích góp thêm hiểu biết và cơ hội cho bản thân chứ không phải vô nghĩa. Thử hỏi đến một ngày sếp muốn đi cùng nhân viên gặp đối tác, khách hàng lớn ở những nơi như vậy thì mình có kinh nghiệm hơn, sẽ không lúng túng hay làm sếp mất mặt vì chả biết gì".
Người trẻ tìm đến những môn thể thao "thượng lưu".
Cùng suy nghĩ, Thanh Long cũng cho rằng có nhu cầu với những món đồ cao cấp sẽ là động lực để anh biến cuộc sống mình trở nên hoàn thiện hơn. "Mình đang hướng đến một cuộc sống tốt hơn, biết chăm sóc bản thân, dành cho bản thân những thứ xịn xò, đẹp đẽ.
Đó cũng là động lực để mình làm nhiều hơn, kiếm tiền nhiều hơn, trở nên giỏi hơn. Vậy nên mình không nghĩ đó là đua đòi, đó là trải nghiệm và nâng tầm bản thân, khiến mình hiểu biết và có giá trị hơn", chàng trai 9X nói.
Động lực để kiếm nhiều tiền hơn đó là hướng đến cuộc sống tốt đẹp.
Kiểm soát bản thân để không vượt ngưỡng giới hạn
Ai cũng có nhu cầu chi tiêu riêng và không ai giống nhau. Có người thấy hợp lý khi bỏ tiền mua bữa ăn ngoài để tiết kiệm thời gian nấu nướng, dọn dẹp lại được ăn ngon như Ngọc Anh, cũng có những người như Hồng Hạnh hay Thanh Long "mua" trải nghiệm để trau dồi thêm cho bản thân, tự khám phá đời sống cao cấp, hiện đại.
Họ cho đó là mục tiêu phấn đấu để kiếm tiền và có tham vọng theo hướng tích cực, nâng cấp cuộc sống, vòng quan hệ. Miễn là không nợ nần, quá lố thì chẳng có gì đáng bị chê trách.
Nhiều người quan niệm rằng tuổi trẻ phải chắt chiu, tiết kiệm, điều đó không sai nhưng nếu chỉ quanh quẩn cơm áo gạo tiền mà bỏ qua những thứ mình thích thì liệu có hạnh phúc? Những mong muốn ở tuổi đôi mươi nhưng chờ đến ba, bốn mươi tuổi mới thực hiện thì sẽ chẳng còn phù hợp.
Mang cơm nhà đi làm chưa chắc đã nghèo. (Ảnh: Lao Động)
Mặt khác, chúng ta thấy sếp ngày ngày mang cơm đi làm, quần áo giản dị nhưng phía sau đó, họ vẫn sẵn lòng bỏ một khoản tiền lớn mua nhà, mua xe, đầu tư... Từng trải qua thời làm nhân viên, vừa có quan hệ lại có kiến thức, tầm nhìn, tham vọng của họ "khổng lồ" hơn ta tưởng đằng sau lối sống giản dị thường thấy.
Những người sếp giàu có nhưng vẫn tiết kiệm, không hoang phí, đó cũng là tấm gương mà người trẻ có thể noi theo và phấn đấu.
Không ngừng trau dồi, nâng cấp để bản thân vượt qua ngưỡng trung bình.
Vậy nên tiêu gì cũng được trong khả năng tài chính, miễn đừng mất kiểm soát dẫn đến nợ nần. Tiết kiệm vẫn là bài học quan trọng mà người trẻ không nên lơ là.
Muốn yêu chiều bản thân thì phải kiếm tiền giỏi từ kiến thức, kinh nghiệm của mình. Suy cho cùng, hãy luôn hướng đến mục tiêu lớn hơn để có động lực và cố gắng phát triển, vì ai cũng xứng đáng có những trải nghiệm tốt.
LUÔN ĐẶT MỤC TIÊU CAO HƠN GIỚI HẠN BẢN THÂN
Mỗi người có một nhu cầu và mức chi tiêu khác nhau. Nhiều người quan niệm làm ít tiêu ít, làm nhiều tiêu nhiều nhưng điều đó vô tình tạo nên giới hạn bản thân, ép bản thân chỉ được luẩn quẩn trong mức lương của mình rồi dần dần thấy hài lòng với cuộc sống như vậy.
Thế nhưng thực tế, ai chẳng muốn bản thân sang chảnh, thử những món ăn ngon, đến những nơi đẹp, trải nghiệm những dịch vụ đắt đỏ? Vậy nên đừng bao giờ ngừng cố gắng, hãy luôn đề ra mục tiêu cao hơn khả năng của mình để nỗ lực hơn, kiếm nhiều tiền hơn vì chúng ta xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn.