23 đến 30 được xem là độ tuổi lý tưởng để xây dựng sự nghiệp. Nhiều bạn trẻ rời quê lên thành phố học tập, sau khi tốt nghiệp ra trường lại cố gắng tìm một công việc ổn định tại văn phòng nào đó để bám trụ thành phố. Thế nhưng, có nhiều câu chuyện thực tế phũ phàng khiến cho dân văn phòng suy ngẫm và bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, đó chính là việc sau 3-4 năm, thậm chí là 10 năm làm một nhân viên công sở mẫu mực nhiều người vẫn không có điều kiện kinh tế tốt bằng bạn bè chọn cách lập nghiệp ở quê.
Mỗi người sẽ thành công ở thời điểm khác nhau
Bạn Thùy Minh đã chia sẻ câu chuyện của mình sau khoảng thời gian làm việc tại thành phố: "'Làm văn phòng nghe oai đấy, quần áo là lượt nhưng cuối tháng nhận lương thì ít ỏi'. Mình thường xuyên nghe và đọc được những bài viết có nội dung như thế.
Năm nay 26 tuổi, sau hơn 4 năm ra trường mức lương hiện tại của mình khoảng 10 triệu đồng. Chắt chiu cũng gọi là tạm đủ sống. Chuyện chẳng có gì để nói nếu như gần đây, mình gặp lại bạn bè ở quê và nhận thấy nhiều người rất thành công. Có đứa kinh doanh mỹ phẩm, giờ làm bà chủ nhà xe có đủ. Một người bạn của mình đi học nghề sửa chữa ô tô, nhờ chăm chỉ, lành nghề giờ cũng kiếm 15 - 20 triệu/tháng ở quê. Tính ra, mình làm ở thành phố lớn nhưng thu nhập lại đuối nhất."
Nhân viên văn phòng làm việc trong môi trường điều hòa 24/24, quần áo chỉn chu. (Ảnh minh họa: Freepik)
Chia sẻ của Thùy Minh nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ nhiều bạn trẻ. Có lẽ, đây cũng không phải vấn đề của riêng ai. Nhiều người cố gắng bám trụ lại thành phố nhưng chưa có được mức sống như mong đợi, áp lực từ sự thành công của bạn bè cũng trở thành gánh nặng không dễ dàng vượt qua. Có người ở thành phố chật vật nhưng về quê không dám kể khổ cùng ai dù là gia đình hay bạn bè, tất cả vì sợ bị chê bai, lo làm người thân thất vọng, tự ti với bạn bè.
Không ít người tự ti vì lương làm văn phòng thấp hơn bạn bè thành công ở quê.
Hoang mang trước nỗi lo cơm áo gạo tiền, áp lực có nhà, có xe.
Thế nhưng, Thùy Minh thì khác, cô bạn đối diện với vấn đề một cách tích cực hơn được nhiều người tán dương: "Mình cảm thấy ngưỡng mộ các bạn nhiều hơn. Kiếm tiền chưa bao giờ dễ dàng, có thể số tiền mình kiếm được ở hiện tại chưa nhiều bằng bạn bè nhưng mình không hối hận vì đã lựa chọn đi theo sở thích của bản thân. Các bạn chọn học nghề, khởi nghiệp ở quê nhà thì mình chọn lên thành phố học tập và làm việc, mình cảm thấy nếu không tiếp tục học sẽ vô cùng lãng phí, đó cũng là một trong những lý do mình chọn chuyên ngành hiện tại, theo đuổi công việc mà mọi người bảo 'chỉ được cái quần là áo lượt, ngồi máy lạnh'.
Nhưng mình không hối hận và tự ti. Đứng trước những người thành công sớm, họ hàng, gia đình đem bạn ra so sánh là điều bình thường. Mình xem đó là tấm gương để không ngừng cố gắng. Mọi sự so sánh đều khập khiễng và không chính xác vì mỗi người sẽ thành công ở một thời điểm khác nhau".
Nhân viên văn phòng làm việc chăm chỉ mỗi ngày mong có cuộc sống ổn định. (Ảnh minh họa: Freepik)
Quan điểm tích cực này nhanh chóng nhận được sự đón nhận của nhiều bạn trẻ. Thực tế, nhân viên văn phòng thường xuyên bị đem ra so sánh với các ngành nghề khác về mức lương. Nhưng giống như cách mà Thùy Minh chia sẻ, mỗi người sẽ có một cuộc sống và lựa chọn khác nhau, ở thời điểm này có thể lương bạn thấp hơn bạn bè ở quê làm kinh doanh nhưng không có nghĩa trong tương lai bạn vẫn "dậm chân tại chỗ". Chỉ cần chúng ta không ngừng cố gắng thì dù công việc ở đâu cũng có thể thành công.
Nhân viên văn phòng có nhiều cơ hội thăng tiến.
Ngừng so sánh khập khiễng!
Nhiều bạn trẻ không ngại chia sẻ rằng họ cảm thấy việc so sánh giữa mình và đứa bạn nào đó rất khập khiễng, cũng như việc so sánh giữa nhân viên văn phòng và sự thành công của bạn bè ở quê là không hợp lý. Công việc nào cũng xứng đáng được tôn trọng khi đó là lao động chân chính. Để trở thành một nhân viên làm việc trong môi trường "điều hòa mát rượi" một người cũng phải nỗ lực và cố gắng học tập. Mức lương hôm nay có thể đang là 7, 8 triệu nhưng tương lai có thể nhân đôi, nhân ba là chuyện bình thường.
Nhân viên văn phòng cố gắng hoàn thành tốt công việc của họ. (Ảnh minh họa: Pinterest)
"Văn phòng có cái giá của văn phòng. Khi làm bất cứ điều gì, mình cũng luôn cố gắng đẩy giới hạn của bạn thân lên cao, cứ liên tục như thế, thì ai rồi cũng sẽ chạm được đến ngưỡng thành công mà bạn muốn", bạn Nam Nguyễn chia sẻ.
"Nhiều người nói bên tai 'ăn học đàng hoàng bao nhiêu năm, giờ ra trường lương vẫn bèo bọt vài đồng, không bằng bạn này, bạn kia ở quê nhưng kiếm chơi chơi vài tỷ một năm', nghe cũng chạnh lòng nhưng mình hạnh phúc với chính cuộc sống hiện tại. Chưa bao giờ hối hận vì mình tin tưởng vào những kiến thức mà bản thân đã học không bao giờ lãng phí và vẫn nỗ lực vì tương lai", Hương Ly chia sẻ.
Nên xem thành công của bạn bè làm động lực phấn đấu cho riêng mình.
Mỗi người đều có một công việc riêng, làm tốt việc của chính mình và không ngừng vươn lên trong cuộc sống là mục đích nhiều bạn trẻ Gen Z ngày nay theo đuổi. Làm kinh doanh thành công ở quê nhà cũng đâu dễ dàng và làm dân văn phòng cũng có hạnh phúc của riêng họ. Thay vì so sánh và tự ti hãy kiên định vào sự lựa chọn và cố gắng không ngừng nghỉ vì nó. Quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này?
Người trẻ hiện đại biết bản thân muốn gì và cần làm gì. Áp lực trước sự thành công của bạn bè là điều nhiều người gặp phải trong cuộc sống. Thế nhưng, thay vì tự ti, ghen tị hãy xem đó là động lực để cố gắng nhiều hơn. Công việc nào cũng xứng đáng được trân trọng khi đó là lao động chân chính. Hãy luôn vững tin với đường đi của bản thân.