Đa số nhiều người nghĩ rằng, nhóm nhân sự làm việc tại văn phòng sẽ có sức khỏe ổn định nhất vì công việc của họ chủ yếu ngồi điều hòa, "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu". Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn ngược lại khi dân công sở ngày càng cho thấy sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của họ có chiều hướng đi xuống. Đau lưng, mỏi gối, tê tay, thoái hóa cột sống, ăn uống thất thường dẫn đến đau dạ dày,... là những vấn đề mà nhiều người làm văn phòng gặp phải.
Chạy không thoát 10 "bệnh văn phòng"
Thông tin từ WHO, "bệnh văn phòng" (Sick Office Syndrome) hay hội chứng bệnh nhà kín SBS (Sick Building Syndrome) là thuật ngữ chỉ về các loại bệnh khác nhau có liên quan đến lao động đặc thù tại văn phòng, thường xuyên ở trong môi trường kín, máy lạnh, ít được thông khí, tiếp xúc với máy tính, máy photocopy, máy fax, hồ sơ, giấy tờ,… hoạt động trí óc đầy áp lực và cường độ cao. Điểm chung của hầu hết nhân viên văn phòng đó là họ ăn uống thất thường, ít vận động từ đó dẫn đến mắc phải không ít bệnh thường thấy như: đau lưng, mỏi gối, tê tay, thoái hoá cột sống, và gần đây là căng thẳng thần kinh, tiền đình, đau dạ dày, giảm thị lực,...
Dân văn phòng gặp nhiều vấn đề sức khỏe. (Ảnh minh họa: Thanh niên)
Thông tin dữ liệu từ nền tảng SocialHeat, trong 8 tháng đầu năm 2023, chủ đề "bệnh văn phòng" được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Top 10 bệnh được nhắc đến nhiều nhất bao gồm: Đau dạ dày; chóng mặt, tiền đình; stress, căng thẳng; mất ngủ; táo bón; đau lưng, cột sống, thắt lưng; trĩ; đau vai gáy; tật khúc xạ; viêm xoang. Đây đều là những căn bệnh "kinh điển" được dân văn phòng nhắc đến, thường xuyên than thở trên mọi nền tảng.
10 bệnh văn phòng phổ biến. (Ảnh: YouNet Media)
Áp lực công việc khiến người trẻ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, tinh thần. (Ảnh minh họa: Reviv)
Đa số các bạn trẻ đều nói rằng họ gần như có đủ 10 bệnh như trên. Có những bạn năm nay chỉ 23, 24 tuổi nhưng cơ thể lúc nào cũng rệu rã, mệt mỏi như người ngoài 40 tuổi. "Mới 24 tuổi mà có gần đủ các bệnh. Thường xuyên chạy deadline căng thẳng đến quên ăn uống đúng giờ nên gần đây mình bị đau dạ dày, càng làm việc căng thẳng tần suất đau lại càng nhiều. Còn đau lưng, mỏi gối, tê tay thì thôi khỏi cần nói, xương khớp cứ như người U50 vậy", bạn đọc Thu Hương (25 tuổi) chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân sau gần 3 năm đi làm.
"Ai cũng nói làm văn phòng sướng, không vất vả nắng mưa nhưng mình thấy ngồi nhiều, ít vận động kéo theo đủ bệnh. 26 tuổi mà mắt thì ngày càng mờ vì ngồi máy tính, giờ lại bị tiền đình, chóng mặt. Mình lại có tiền sử bệnh viêm xoang, ngồi điều hòa cả ngày cũng là cực hình chứ không sướng như mọi người vẫn nghĩ", độc giả Thanh Tùng (26 tuổi) tâm sự.
Còn trẻ nhưng toàn thân thường xuyên đau nhức. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Vừa ăn vừa làm để chạy kịp deadline. (Ảnh minh họa: Thanh niên)
Trong Top 10 "bệnh văn phòng" thường thấy, đau dạ dày là bệnh phổ biến nhất. Nhiều người trẻ hiện đại "sống theo giờ Mỹ nhưng lại ăn kiểu sinh viên nghèo", thức khuya, dậy muộn và thường không chú trọng ăn uống đúng giờ, đủ chất là nguyên nhân lớn dẫn đến đau dạ dày. Chóng mặt, rối loạn tiền điền đình tưởng chỉ gặp ở độ tuổi trung niên nhưng nay lại có xu hướng trẻ hóa, không ít người dưới 30 tuổi gặp phải. Đau lưng, mỏi gối, tê tay có lẽ khó nhân viên văn phòng nào chạy thoát vì ngồi nhiều, ít vận động.
Còn trẻ nhưng sức khỏe nhiều người ở tình trạng báo động. (Ảnh minh họa: Freepik)
Đa số người trẻ than rằng họ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau thời gian làm việc tại văn phòng. (Ảnh: Cột Sống Gen Z)
Chủ quan, ngại đến bệnh viện
Điểm chung của dân công sở khi thấy cơ thể có dấu hiệu thay đổi đa số họ chỉ dừng lại ở mức kêu than. Nhóm "bệnh nhân" này thường ngại đến bệnh viện, cho rằng đây chỉ là những triệu chứng bình thường do công việc căng thẳng, khi xung quanh ai cũng đau, cũng nhức, họ tự an ủi bản thân đó là điều bình thường. Thế nhưng, đây đều là những căn bệnh có triệu chứng ban đầu không nguy hiểm nhưng có khả năng trở nên nguy hiểm không sớm thì muộn nếu dân văn phòng không thay đổi thói quen sinh hoạt.
Nhiều người trẻ chủ quan với các triệu chứng đau nhức. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Những "bệnh văn phòng" này không tự nhiên mà có và tất nhiên cũng không tự mất đi. Người lao động công sở cần thay đổi thói quen sinh hoạt, lập cho mình chế độ sống khoa học để cải thiện sức khỏe. Khi điều trị các "bệnh văn phòng" mãn tính, việc có một chế độ sinh hoạt hợp lý là điều hết sức quan trọng như đi ngủ đúng giờ, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên,... Quan trọng nhất, không nên vì ngại, tiếc tiền thăm khám mà chủ quan không đến bệnh viện, cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để nhận được sự điều trị phù hợp, chuẩn xác từ bác sĩ.
8 tiếng đừng chỉ ngồi yên, hãy có những khoảng thời gian "giãn gân cốt". (Ảnh minh họa: Freepik)
Người trẻ thường chủ quan với những dấu hiệu sức khỏe. Nếu cảm thấy cơ thể có sự thay đổi, hãy tìm đến bác sĩ và có những thay đổi phù hợp trong cuộc sống sinh hoạt để cải thiện. Nỗ lực làm việc nhưng cũng không thể bỏ quên việc sống khỏe mỗi ngày. Quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này?
Để hạn chế mắc phải những bệnh mà dân văn phòng thường gặp, các bạn nên:
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học: hạn chế ăn thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhiều dầu mỡ; tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày như rau xanh, các loại củ, trái cây; hạn chế thức khuya; không nên lạm dụng trà, cà phê.
- Uống nhiều nước mỗi ngày. Trung bình từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày.
- Tập thể dục giữa giờ. Có thể là những bài tập nhẹ nhằm thư giãn cơ thể. Nếu có thời gian nhiều hơn, các bạn có thể chạy bộ, tập yoga, fitness…
- Tự thưởng cho mình những chuyến du lịch, dã ngoại cùng gia đình, bạn bè để giải tỏa áp lực trong công việc.
- Ngoài ra, khi có những dấu hiệu đau nhức cột sống và xương khớp cần đi khám để được điều trị kịp thời.