Có rất nhiều người vì những lý do cá nhân mà không theo đuổi con đường Đại học. Thay vào đó, họ lại chọn các trường cao đẳng làm đích đến, cố gắng học tập, phát triển bản thân để tìm kiếm cơ hội quý giá trong tương lai. Cũng nhờ đó mà đã có không ít trường hợp dù bằng cấp không phải tốt nhất nhưng lương tháng và chức vị lại khiến bao người ngưỡng mộ.
Học cao đẳng, nhiều người vẫn có công việc trong mơ. (Ảnh minh họa: Thanh Niên/VOZ)
Học cao đẳng vẫn kiếm chục triệu đồng/tháng
Chia sẻ câu chuyện của mình trên Cột sống Gen Z, anh chàng M.K (26 tuổi) cho biết: "Do hoàn cảnh gia đình không cho phép nên dù đủ điểm xét tuyển, mình vẫn vào cao đẳng. Lúc đầu cũng có chút buồn vì gặp ai cũng bảo 'học kém mới chọn cao đẳng'. Nhưng có lẽ nhờ đó mà mình quyết tâm hơn, vừa học trên lớp vừa tất bật đi làm khắp nơi, trải nghiệm công việc.
Đến khi ra trường đi xin việc mới thấy chẳng ai quan tâm quá nhiều về bằng cấp. Họ chỉ cần biết mình có làm được việc hay không, rồi kinh nghiệm thế nào. May mắn sao mình vượt qua bài test và được một công ty đa quốc gia nhận vào, mức thu nhập mỗi tháng ít cũng 40 triệu đồng. So với nhiều người thì con số này khá cao, cũng chẳng ai nghĩ một người bằng cao đẳng như mình lại làm được thế".
Chung suy nghĩ với M.K, anh chàng Q.T (29 tuổi) cũng chia sẻ quan điểm của mình: "Đợt đi học, mình cũng sợ bản thân không bằng bạn bằng bè. Nhưng vì không đủ điểm nên cũng đành chấp nhận. Lên lớp mới thấy ở đây rất chú trọng việc thực hành, nếu chăm chỉ tìm đọc thêm tài liệu ở các trường đại học thì chắc chắn sẽ phát triển được.
Thế là mình lên kế hoạch khá tỉ mỉ, ngoài kiến thức chuyên ngành còn đầu tư cả ngoại ngữ. Đến khi ra trường liền được một doanh nghiệp nước ngoài phỏng vấn, cho sang Trung Quốc tu nghiệp. Ở lại hoặc về Việt Nam lương cũng phải hơn 60 triệu đồng".
Rất nhiều người dù chỉ tốt nghiệp cao đẳng nhưng lương tháng vẫn cao ngất ngưởng. (Ảnh minh họa: Hàn Quốc)
Ở Việt Nam cũng có không ít sinh viên lựa chọn theo học tại các trường cao đẳng. (Ảnh: FPT Polytechnic)
Dùng nỗ lực bù đắp bằng cấp
Là một người từng tuyển dụng rất nhiều nhân sự ở trình độ cao đẳng, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thương mại kỹ thuật Brotechcons, trao đổi với Thanh Niên: "Xu hướng khi tìm nhân sự ở nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng không quá đặt nặng chuyện bằng cấp. Họ xem ứng viên trong quá trình học đã làm được những gì, có kinh nghiệm va chạm thực tế và thái độ trình bày mong muốn ứng tuyển. Công ty tôi có nhiều bạn trẻ học cao đẳng đã có mức thu nhập từ 13 - 22 triệu đồng/tháng tùy vào vị trí và thâm niên công việc, nếu có ngoại ngữ sẽ được hưởng lương từ 30 triệu đồng/tháng trở lên".
Cũng theo ông Long, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của mỗi sinh viên, cả ở trên lớp lẫn ngoài xã hội. Dù học cao đẳng hay đại học thì cũng đều không quá quan trọng, miễn sao có sự nỗ lực và mục tiêu rõ ràng cho bản thân. Ông đưa ra lời khuyên: "Nếu đã xác định học cao đẳng cần có nỗ lực và xác định mục tiêu để hoàn thành khi ra trường. Đặc biệt, cần nắm bắt được thị trường lao động và không nghe các định hướng sai, lỗi thời để tránh bị thất nghiệp, bởi tình trạng 'thừa thầy, thiếu thợ' tùy thuộc vào lĩnh vực nghề nghiệp".
Điều quan trọng nhất ở các bạn trẻ đó là tinh thần nỗ lực và sự quyết tâm hướng đến mục tiêu đã chọn. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)
Dù học ở đâu, sinh viên cũng đều phải nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Phenikaa)
Thực tế, học cao đẳng cũng có rất nhiều lợi ích rõ rệt, ví như rút ngắn thời gian khi ra trường, giảm gánh nặng học phí và được thực hành nhiều ngành nghề khác nhau. Tất nhiên điều này cũng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là thái độ học tập và hướng đi của mỗi sinh viên.
Vì vậy, ngay từ khi bước chân vào trường, mọi người nên đề ra một kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho mình. Đồng thời đừng ngần ngại tham gia hoạt động hội nhóm, đi làm thêm, cải thiện những kỹ năng mềm như trình bày trước đám đông, giao tiếp...
Các trường cao đẳng cũng rất chú trọng chất lượng đào tạo. (Ảnh: Báo Điện tử Chính Phủ)
Đại học hay cao đẳng, mỗi con đường lại có một ưu điểm riêng. (Ảnh: Trường Cao Đẳng Quốc Tế TP.HCM)
Hãy cân nhắc thật kĩ trước khi đưa ra quyết định. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)
Mỗi người lại có một con đường, định hướng khác nhau, quan trọng nhất vẫn là ý chí quyết tâm của bản thân. Nếu vẫn còn đang phân vân không biết phải lựa chọn sao cho đúng, mọi người có thể tham khảo thêm nhiều bài viết phân tích khác trên YAN.
CHỌN HỌC NGHỀ THAY VÌ HỌC ĐẠI HỌC
Đối với nhiều người, Đại học chỉ là một trong nhiều con đường khác xây dựng tương lai. Vì vậy, thay vì lựa chọn học lên cao, họ lại quyết định học nghề, tiếp xúc với công việc thực tiễn sớm hơn dự định. Hiện nay, thị trường việc làm cũng đang trong giai đoạn "thừa thầy thiếu thợ".
Các bạn trẻ nếu tay nghề được đào tạo bài bản thì sẽ trở thành nguồn lao động hữu ích mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm. Chưa kể, rất nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn còn có thể trở thành cầu nối để đưa học viên đến gần hơn với các đơn vị tuyển dụng.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY!