Dưới sự tác động của COVID-19, thế giới không chỉ chứng kiến làn sóng nghỉ việc mà còn dấy lên trào lưu nghỉ hưu sớm (FIRE) của không ít người trẻ.


Những năm gần đây, Gen Z trên thế giới, trong đó có Việt Nam có xu hướng ủng hộ trào lưu nghỉ hưu sớm (FIRE). Thế hệ trẻ cảm thấy nếu như không có sự chuẩn bị cho "túi tiền" của mình thì với một số tiền lương cố định, họ sẽ phải làm việc đến tuổi nghỉ hưu mà không có bất kỳ khoản dư nào để làm những việc mình thích.

FIRE được viết tắt từ cụm từ Financial Independence, Retire Early (tạm dịch là: Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). Đây là khái niệm được bắt nguồn từ cuốn sách bán chạy nhất năm 1992 tại Mỹ - “Your Money or Your Life” của Vicki Robin và Joe Dominguez. Cuốn sách nêu ra vấn đề mối quan hệ giữa tiền bạc và công việc. Lời khuyên rằng chi tiêu ít đi thì sẽ làm việc ít hơn, giúp duy trì chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Ước mơ và mong muốn được về hưu ở tuổi 30 - 40 ngày nay là mục tiêu của vô cùng nhiều người trẻ tuổi. Xu hướng này bắt đầu từ các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu hay ở những nước phát triển tại Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc. Xã hội phát triển kèm theo những xu hướng làm việc, hình thức kiếm tiền mới, đã tạo cho giới trẻ điều kiện được từ bỏ những công việc nhàm chán và tận hưởng cuộc sống của bản thân.

Theo một cuộc khảo sát của Goldman Sachs Asset Management, có đến 25% người thuộc thế hệ Z trả lời rằng họ muốn nghỉ hưu trước tuổi 55. Điều này phù hợp với xu thế đánh giá lại các giá trị cuộc sống hay nói một cách đơn giản là trào lưu nghỉ hưu sớm đang diễn ra trên thế giới.

Nghỉ hưu trước tuổi quy định là điều mà nhiều người cho rằng đây là suy nghĩ viển vông của những người trẻ bởi họ mới tham gia vào thị trường lao động không lâu đã mong muốn nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Gen Z có chiến lược tài chính đúng đắn, kế hoạch cụ thể và tuân thủ kỷ luật.

Để thực hiện được lối sống FIRE, những người trẻ tuổi cần trả hết nợ và cắt giảm các chi tiêu không cần thiết nhưng vẫn duy trì chi phí sinh hoạt tối thiểu. Hơn ai hết, họ hiểu rằng việc tiết kiệm quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay công việc, qua đó làm giảm thu nhập chỉ khiến kế hoạch tự do tài chính khó đạt được hơn.

Thực tế, nhiều bạn trẻ đang hiểu sai và ngộ nhận việc dựa vào những tài sản có sẵn của gia đình, không tính các chi phí sinh hoạt chung cùng gia đình để thực hiện được mục tiêu nghỉ hưu sớm. Thế nhưng, nghỉ hưu sớm là lối sống độc lập về tài chính, tiết kiệm và gia tăng thu nhập để nghỉ hưu sớm chứ không phải ỷ lại vào điều kiện gia đình nhằm đạt được mục đích đó.

Do đó, đối với một số Gen Z, họ lựa chọn nghỉ hưu sớm, không làm việc tại văn phòng theo giờ hành chính nhưng vẫn tích cực làm việc, đóng góp cho xã hội. Họ đạt được tự do tài chính là nhờ kết hợp tiết kiệm lẫn đầu tư, làm giàu cho bản thân chứ không tằn tiện quá mức cho những nhu cầu cá nhân, để rồi gặp rắc rối về sức khỏe hay rơi vào tình trạng lười biếng.

Quyết tâm làm việc cật lực trong vài năm, tích lũy được một khoản tiền rồi "nghỉ hưu non" để tận hưởng cuộc sống dường như đang trở thành một xu hướng mới trong một bộ phận giới trẻ. Thoát khỏi môi trường công sở với đầy rẫy áp lực, ràng buộc để sống một cuộc sống tự do, tự tại đang là mơ ước của rất nhiều người trẻ, nhưng ít ai nghĩ rằng cuộc sống của một người nghỉ hưu sớm không được tận hưởng nhiều đến thế.

Trước hết, những người trẻ tuổi lựa chọn nghỉ hưu sớm có thể đối mặt với “khủng hoảng danh tính” bởi vô vàn những câu hỏi về nghề nghiệp hiện tại. Ngoài ra, khi bạn đã dành ít nhất 1 thập kỷ làm việc trong bất kỳ công việc nào, sau khi rời bỏ công việc, bạn sẽ gặp không ít những “ám ảnh” với nghề. Theo chia sẻ của một nhân viên văn phòng nghỉ hưu sớm ở tuổi 34, anh ấy đã tự hỏi bản thân rất nhiều những câu hỏi như “công việc sẽ ra sao khi vắng tôi, nhưng au nhiều tháng không có email hay những cuộc điện thoại công việc, cuối cùng tôi đã chấp nhận sự thật rằng tôi không còn gắn với công việc nữa”.

Những người trẻ đang ở trong độ tuổi lao động vàng nhưng lại đang nỗ lực hết mình để tích lũy cho việc nghỉ hưu sớm, trong mắt những thế hệ trước có thể được coi là điều không bình thường. Gen Y hoặc thế hệ Millennials có thể đối xử với những người thuộc Gen Z như kẻ lạc loài bởi việc rời bỏ khỏi tầng lớp lao động. 

“Tôi vẫn còn một khoản thế chấp để trả và cũng đã từng lo lắng rằng, liệu mình có đang phạm sai lầm nghiêm trọng.” - một Gen Z chia sẻ về khủng hoảng thời gian đầu khi mới nghỉ hưu sớm. Nhưng sau đó, kế hoạch nghỉ hưu khi còn trẻ được vạch ra rõ ràng hơn, lựa chọn kiếm tiền online và tạo ra thu nhập thu động, Gen Z đã lựa chọn làm việc và năng động theo cách khác với những thế hệ trước.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ tuổi nghĩ rằng một khi họ đạt được tự do tài chính hoặc nghỉ công việc áp lực mà họ ghét, họ sẽ tự động hạnh phúc hơn. Nhưng, trên thực tế, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bất kỳ mức độ hạnh phúc gia tăng đáng kể nào cũng chỉ là ngắn hạn. Trên thang điểm từ 1 đến 10, mức độ hạnh phúc của một người lựa chọn lối sống FIRE đã tăng vọt lên mức 10. Nhưng không lâu sau đó, có một khoảng thời gian, họ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường bởi hành động này có thể được ví như việc trúng số. Niềm vui có thể kéo dài trong 1 vài ngày nhưng 1 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn thì không chắc, có thể nói, nghỉ hưu sớm không thật sự giúp bạn hạnh phúc hơn nhiều.

Thực tế, nếu Gen Z lựa chọn nghỉ hưu sớm vì bạn không hạnh phúc với công việc hiện tại của mình thì khả năng rất cao sau khi nghỉ hưu bạn vẫn không hạnh phúc. Thế hệ Z nên có cái nhìn và định hướng rõ ràng về những dự định sau khi nghỉ hưu hơn là dùng nó để trốn tránh các vấn đề cuộc sống bởi nghỉ hưu sớm không phải là liều thuốc tiên để có được hạnh phúc.

Có thể nói, FIRE được coi là một phong cách sống, chứ không phải một chiến lược đầu tư. Trào lưu nghỉ hưu sớm của giới trẻ giúp chúng ta nhận ra những giá trị quan trọng khác của cuộc sống, ngoài tiền. Với một thế hệ cá tính như Gen Z thì việc  phụ thuộc quá nhiều vào một công việc ổn định khiến cho họ phải hy sinh thời gian và sự tự do, từ bỏ những niềm đam mê cá nhân để đổi lấy sự ổn định dường như khiến họ không hài lòng về cuộc sống. Chính vì vậy, động lực thúc đẩy trào lưu này phát triển chính là sự phát triển không ngừng của xã hội, cách thức kiếm tiền đa dạng hơn, có thể tạo ra thu nhập từ nền kinh tế số hay cơ hội tạo dựng những nguồn thu nhập thụ động từ sự ra đời của những kênh đầu tư mới hấp dẫn – đây chính là những động lực góp phần thay đổi suy nghĩ và hình thành quan điểm về nghỉ hưu sớm trong giới trẻ thế hệ Z.