Với ý chí và nghị lực phi thường, cô gái trẻ người dân tộc Dao, Chảo Thị Yến sinh năm 1990 tại thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) khiến các bạn trẻ thuộc Cột Sống Gen Z đặc biệt ngưỡng mộ. Say mê học tập với một hành trình đầy gian nan và thử thách, để rồi dành được phần thưởng cao quý là học bổng toàn phần danh giá của Liên minh châu Âu, Yến đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.
Cô gái trẻ Chảo Thị Yến. (Ảnh: Dân Tộc Và Phát Triển)
Cô gái chăn trâu từ bản người Dao đến học bổng Erasmus
Cũng như nhiều đứa trẻ dân tộc thiểu số ở vùng quê nghèo, ước mơ được học hành “tới nơi tới chốn” của Yến là quá xa vời trong hoàn cảnh bố bệnh nặng, mẹ vất vả nuôi cả gia đình. Thôn của Yến lúc đó chưa có điện lưới, xe máy, đi lại khó khăn, cơm ăn còn không đủ thì làm gì nghĩ tới việc cho con đến trường. Sau khi học xong lớp 9, vì nhà quá nghèo nên Yến phải nghỉ học.
Yến phải nghỉ học 3 năm vì hoàn cảnh gia đình. (Ảnh: VOV)
3 năm ấy, Yến ở nhà lên nương, hái rau rừng, măng rừng bán để phụ giúp bố mẹ. Niềm khao khát đến trường vẫn luôn cháy bỏng trong cô gái nhỏ bé. Hằng ngày, Yến thả trâu gần trường lén nghe thầy cô giảng bài. Thầy hiệu trưởng biết Yến ham học nên đã thuyết phục bố mẹ cho em quay trở lại trường.
Được quay trở lại trường học sau 3 năm gián đoạn, thấm thía nỗi nhọc nhằn của bố mẹ, bằng nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của thầy giáo, Yến cũng học xong cấp 3, thi vào trường Đại học Lâm Nghiệp (Hà Nội). Trở thành 1 trong 2 người đầu tiên của xã đi học đại học. Cô nàng tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân xuất sắc.
Bố mẹ phải làm lụng vất vả nuôi Yến ăn học. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Như một kỳ tích, năm 2018, Yến may mắn giành được học bổng của Liên minh châu Âu - Erasmus Mundus trị giá 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng), đào tạo Thạc sỹ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường Đại học Gottingen (Đức) và Trường Đại học Padova (Italia).
Hơn ai hết, người hạnh phúc nhất trong gia đình là bố mẹ của Chảo Thị Yến. Cô sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp ngày nào đã trở thành chuyên gia làm việc cho một tổ chức phi chính phủ cũng chuyên về tài nguyên rừng. Công việc hiện tại giúp Chảo Thị Yến có thể chăm lo cho cuộc sống của bố mẹ.
Yến xuất sắc nhận được học bổng du học Châu Âu. (Ảnh: Thanh Niên)
Khát vọng giúp cộng đồng tại bản làng thoát nghèo
Trở về nước sau quãng thời gian du học, Yến từng công tác tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) với những dự án giúp ích cho các vùng khó khăn. Gần đây, Yến quyết định bỏ việc ở phố về quê khởi nghiệp với mong muốn giúp đỡ bà con dân tộc ở buôn làng, tạo sinh kế cho cộng đồng.
Sau khi du học Yến trở về quê khởi nghiệp. (Ảnh: Dân Tộc Và Phát Triển)
Với kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản về quản lý tài nguyên rừng bền vững, Chảo Yến luôn chú trọng truyền đạt cho người nông dân cách khai thác nông sản bản địa theo hướng bền vững và đạt chuẩn chất lượng.
Cô nàng còn tham gia các nền tảng mạng xã hội, kể câu chuyện về quá trình du học của mình cùng hàng loạt nội dung quảng bá văn hóa dân tộc thiểu số.
Yến truyền tải kiến thức đến cho mọi người xung quanh. (Ảnh: Dân Tộc Và Phát Triển)
Không quá cầu kỳ, Yến chọn cách khai thác giản dị để mỗi clip toát lên tối đa chất mộc mạc, đúng với phong cách của người Dao. Luôn biết cách truyền đến người xem nhiều “vitamin tích cực” bằng chính nụ cười thường trực trên môi, những video của Yến luôn sinh động, tràn đầy sức sống. Những video ngắn, hài hước chia sẻ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Dao đã giúp Chảo Yến sở hữu lượng người theo dõi “khủng”, những video triệu view.
Cô gái trẻ lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. (Ảnh: VTC)
Yến còn là chủ một homestay mang tên Goong (theo tiếng dân tộc Dao “goong” có nghĩa là tốt đẹp, xinh đẹp, làm tốt). Với mong muốn quảng bá hình ảnh dân tộc mình đến với người dân cả nước và du khách quốc tế, Chảo Yến đã không ngừng cố gắng để hiện thực hóa những dự định của mình, trở thành một “cây cầu nhỏ” góp phần đưa văn hóa dân tộc Dao lan tỏa và được nhiều người biết đến hơn, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Chảo Yến không ngừng cố gắng thực hiện mọi dự định. (Ảnh: Vì Trẻ Em)
Giờ đây, cô gái dân tộc Dao này đã có một cuộc sống ổn định và một sự nghiệp khiến nhiều người ngưỡng mộ. Có thể thấy, nhờ ý chí và nghị lực vươn lên mà cuộc sống đã có nhiều thay đổi tốt đẹp hơn. Bạn nghĩ thế nào về hành trình vươn tới ước mơ đầy chông gai của cô gái này? Hãy để lại bình luận cho YAN cùng biết nhé!
Có thể thấy, trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện thuận lợi để theo đuổi con chữ. Trường hợp của Chảo Thị Yến – cô gái dân tộc Dao phía trên chính là minh chứng cho điều này. Tuy nhiên, vượt lên tất cả khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cô gái người dân tộc Dao vẫn quyết tâm theo đuổi con chữ, làm chủ cuộc sống của chính mình. Nghị lực của cô gái đã khiến không ít người ngưỡng mộ, là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.
Xem thêm thông tin tương tự TẠI ĐÂY.