Du HS từ chối lương dưới 15 triệu, thiếu thực tế dễ thất nghiệp dài

15:00 19/09/2023

Du học sinh trở về nước mãi không tìm được việc vì mức lương không như ý. Thậm chí, nhiều bạn trẻ chấp nhận thất nghiệp một thời gian để tìm việc có thu nhập mà họ cho rằng xứng đáng với tấm bằng nước ngoài. Mới đây, câu chuyện 1 du học sinh sau khi về nước đã nhiều tháng vẫn loay hoay tìm việc, từ chối hàng loạt doanh nghiệp chỉ vì mức lương dưới 15 triệu đồng/tháng nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội.

 
Du học sinh và câu chuyện mức lương sau khi ra trường. 
Du học sinh và câu chuyện mức lương sau khi ra trường. 

"Thà thất nghiệp không nhận việc lương dưới 15 triệu đồng"

Một du học sinh đã chia sẻ câu chuyện tìm việc sau khi về nước của mình với tâm trạng buồn bã xen lẫn lo lắng: 

"Em là du học sinh mới về nước đến nay vẫn chưa tìm được việc. Nói sơ qua về profile (hồ sơ) của em: em có bằng master (hay còn gọi là bằng thạc sĩ) truyền thông tại Mỹ, trước đó em học đại học ở một trường tầm trung trong nước. Tiếng Anh của em tốt (IELTS 7.5), cũng có kinh nghiệm 6 tháng làm dự án lúc còn du học. Khi về Việt Nam, em cứ nghĩ với profile và bằng master này thì chuyện kiếm việc sẽ rất dễ (đây cũng là lý do em học lên master). Các anh chị du học sinh em biết khi về nước đều được offer từ 15 triệu đồng trở lên, ít cũng 15 triệu đồng nên em rất mong chờ. Nhưng anh chị ạ, đời không như mơ.

 
Du học sinh sau quãng thời gian học tập với nhiều khát vọng lớn. 
Du học sinh sau quãng thời gian học tập với nhiều khát vọng lớn. 

Sau khi về nước vào tháng 6, em quyết định cho bản thân 1 tháng nghỉ ngơi để đi ăn đi chơi với bạn bè. Đầu tháng 7 em mới bắt đầu đi tìm việc. Nhưng suốt 2 tháng trời em vẫn trong tình trạng thất nghiệp, không tìm được việc ưng ý dù sáng nào cũng ngồi lướt tin tuyển dụng. Thật ra em có được gọi phỏng vấn 2 lần, nhưng 1 công ty offer 10 triệu đồng, một công ty 12.5 triệu đồng cho vị trí fulltime nên em đành từ chối. Dù sao em cũng mất 2 năm học master, chưa kể tiền sinh hoạt đắt đỏ, nếu làm với mức lương 10 triệu đồng thì không biết bao giờ mới hoàn lại vốn."

 
Câu chuyện thu hút sự chú ý của nhiều người. (Ảnh: Cột Sống Gen Z)
Câu chuyện thu hút sự chú ý của nhiều người. (Ảnh: Cột Sống Gen Z)

 
Du học sinh về nước với nhiều vấn đề băn khoăn. 
Du học sinh về nước với nhiều vấn đề băn khoăn. 

Do đặt quá nhiều kỳ vọng vào tấm bằng nước ngoài, du học sinh này cho rằng nếu nhận việc dưới 15 triệu đồng sẽ không xứng đáng với số tiền lớn mà gia đình đã đầu tư cho em ra nước ngoài học tập. Câu chuyện cũng nhanh chóng thú hút sự chú ý của dân tình. Đa số đều thông cảm cho những khó khăn trong quá trình tìm việc mà một sinh viên mới ra trường gặp phải, về điều này, không chỉ du học sinh mà ngay cả sinh viên trong nước cũng gặp phải. Thế nhưng, bên cạnh đó, nhiều quan điểm cũng chỉ ra rằng, các du học sinh cần có cái nhìn thực tế hơn vào thị trường lao động, tránh để sự kỳ vọng quá lớn cản trở quá trình tìm việc làm. 

Nhìn nhận thực tế

Dành số tiền lớn đầu tư đi du học, tất nhiên ai cũng muốn nhanh chóng tìm được công việc lương cao, thu nhập tốt. Thế nhưng, thị trường lao động vốn là cuộc chiến khốc liệt, từ mong muốn đến thực tế là cả một vấn đề. Du học sinh có quyền kỳ vọng vào tấm bằng mà họ cố gắng có được, nhưng thực tế, không có chuyện nhà tuyển dụng phải trả mức lương cao hơn cho sinh viên tốt nghiệp trường quốc tế so với người học trong nước.

Dù bạn bước ra từ trường ở đâu đi chăng nữa, tất cả đều phải trải qua các vòng phỏng vấn giống hệt nhau. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc lựa chọn người phù hợp nhất, không phải cứ là du học sinh sẽ được ưu tiên lương cao hơn. Thậm chí, với các bạn tốt nghiệp tại nước ngoài và đã có kinh nghiệm làm việc, mức lương được đưa ra vẫn phải căn cứ vào công việc, giá trị các bạn mang lại cho doanh nghiệp. 

 
Nhiều người nhanh chóng bày tỏ quan điểm của bản thân. (Ảnh: Cột sống Gen Z)
Nhiều người nhanh chóng bày tỏ quan điểm của bản thân. (Ảnh: Cột sống Gen Z)

 
Dành lời khuyên thực tế cho chủ bài đăng. (Ảnh: Cột sống Gen Z)
Dành lời khuyên thực tế cho chủ bài đăng. (Ảnh: Cột sống Gen Z)

Nhiều người cho rằng, bạn trẻ trên có phần kỳ vọng quá cao dẫn đến đôi chút ảo tưởng về tấm bằng mình đang có. Bạn đọc Sỹ Phạm bày tỏ quan điểm của mình: "Em lại ảo tưởng cái master truyền thông ở nước ngoài quá rồi. Mỹ có có vài nghìn trường đại học, trường của em nó thuộc Top nào nữa mới là quan trọng, IELTS 7.5 của em là gì khi nhóm sinh viên ở các trường Top 1-2 Việt Nam vẫn đáp ứng tốt, kinh nghiệm 6 tháng thì có là cái gì cơ chứ."

"IELTS 7.5 giỏi nhưng cũng không hiếm, các bạn Gen Z bây giờ ngoại ngữ tốt lắm. Đủ để thấy thị trường lao động cạnh tranh như thế nào. Đúng ra em nên làm nghiên cứu trước khi về. Mức lương là do thị trường quyết định chứ không phải do bằng cấp. Với cả sự đầu tư giáo dục của gia đình là dành cho bản thân em, bố mẹ em mong muốn em được học hỏi mở mang kiến thức và cả kinh nghiệm sống chứ không phải muốn em học xong về làm lương cao để mau mau thu hồi lại số tiền đã bỏ ra", lời khuyên từ bạn Minh Ngọc. 

 
Với phụ huynh, số tiền đầu tư học tập cho con dù thế nào cũng không tiếc nuối. (Ảnh minh họa: Freepik)
Với phụ huynh, số tiền đầu tư học tập cho con dù thế nào cũng không tiếc nuối. (Ảnh minh họa: Freepik)

Nếu cứ cứng nhắc nhất định không chấp nhận công việc có mức lương dưới 15 triệu đồng, nhiều quan điểm cho rằng du học sinh sẽ không thể chấm dứt tình trạng thất nghiệp của mình. Thay vào đó, mỗi người nên chuẩn bị sẵn sàng tình thần để đối mặt với những khó khăn tại thị trường lao động, tìm cho bản thân những hướng đi mang tính thời cuộc và cần thiết. Đôi khi chấp nhận một mức lương không được như kỳ vọng cũng không phải thất bại nếu bạn biết cách nắm bắt thời cơ vươn lên. 

Thực trạng nhiều du học sinh về nước làm việc với mức lương không như kỳ vọng không phải ít. Thị trường lao động luôn khốc liệt, ai cũng phải xuất phát từ đầu và hành trình ấy không tránh khỏi gian nan. Dù đã bỏ ra số tiền lớn chưa biết khi nào "hồi lại", nhưng khi đã đầu tư cho tri thức và học tập đó sẽ là những giá trị tồn tại mãi mãi.